Liên tục trong hơn hai tuần, truyền thông thế giới ngập tràn những tít bài nóng hổi “Paris bốc cháy”, “Chiến trường Paris”, “Chiến tranh ở Khải Hoàn Môn” …về cuộc bạo động của những người Áo Vàng tại thủ đô Paris và lan ra nhiều thành phố khác của nước Pháp.
Ban đầu ngày 17/11/2018 chỉ xảy ra các cuộc tuần hành ôn hoà của chừng 280 ngàn người “Áo vàng” trên toàn nước Pháp chống lại chính sách tăng thuế xăng dầu của chính phủ tổng thống Emanuelle Marcron. Sang ngày 24/11, tuy lượng người biểu tình chỉ còn hơn 166.000, họ bắt đầu xung đột với cảnh sát, đốt cháy vài chục chiếc ô tô, làm 2 người chết, hơn 100 người bị cảnh sát bắt giữ.

Một người biểu tình đứng trên hàng rào chướng ngại vật trên Đại lộ Champs-Élysées trong cuộc biểu tình ngày 24 tháng 11, ở Paris.
Đến sáng ngày 1/12, thì bạo lực đã leo thang tồi tệ: khu trung tâm Paris như bãi chiến trường, phe aó vàng dùng gạch đá lát đường, bom xăng, đốt võ xe, đốt xe cảnh sát, đập phá các cửa hàng, khu mua sắm sang trọng, các trụ sở ngân hàng … cảnh sát đối phó bằng dùi cui, đạn cao su, hơi cay, vòi rồng …

Người biểu tình mặc áo khoác vàng chạy khỏi cảnh sát trên đại lộ Champs-Elysees ở Paris hôm 1/12. Ảnh: Reuters

Phong trào Áo vàng bùng phát tại Paris trong những ngày đầu tháng 12. (Ảnh: New York Times)
Khải Hoàn môn, nơi đặt “Ngọn lửa chiến sĩ vô danh” bị đập phá và bôi bẩn; tượng nàng Marianne biểu trưng nền Cộng hoà Pháp bị vỡ đầu, trên tường là các dòng chữ đen kịt ghi “Macron từ chức”…
Tổng cộng, sau ngày cuối tuần, 682 người đã bị bắt giữ trên toàn nước Pháp, trong đó riêng Paris là 412. Ít nhất 263 người bị thương, gồm 81 thành viên lực lượng an ninh. Đến tối Chủ nhật, 2/12, vẫn còn 378 người bị giam giữ.

Cảnh tượng tan hoang tại thủ đô nước Pháp sau các cuộc bạo loạn. (Ảnh: Reuters)
Những người áo vàng là ai? Đâu là nguyên nhân khiến đám người biểu tinh từ tuần hành ôn hoà thành bạo loạn?
Bất cứ tài xế nào ở Pháp đều có sẵn áo vàng trong xe phòng khi xe gặp sự cố cần sửa ven đường thì khoát áo vàng vào, báo hiệu họ cần sự giúp đỡ. Những người “áo vàng” đại diện cho tầng lớp trung lưu thành thị và dân nghèo ở nông thôn vốn cuộc sống rất bấp bênh, nhiều khó khăn, thu nhập chỉ đủ trang trải cho hai mươi ngày, những ngày cuối tháng là thời gian họ phải giật gấu vá vai trong khổ sở, thế mà họ không hề được chính quyền quan tâm.
Joel Decoux, một nông dân Gueret, sống trong một trong những vùng nghèo nhất nước Pháp nói, “Tôi chưa bao giờ tham gia biểu tình chính trị trước đây. Nhưng như đã nói, mọi thứ đã quá sức chịu đựng. Họ thậm chí không thèm biết chúng tôi vật lộn như thế nào với đồng lương còm. Nhưng chúng tôi cũng là con người chứ. Vào cuối tháng, vợ chồng chúng tôi lại hỏi nhau liệu có đủ cái để ăn không?”, Fabrice Girardin, 46 tuổi, người đang nhận chăm sóc thú cưng để kiếm sống, cho biết.
Phản ứng của các chính trị gia đã khiến cho tình hình càng tồi tệ thêm. “Chúng tôi yêu cầu giảm thuế xăng dầu, nhưng họ lại nói đến chuyện sinh thái”, chồng chị Laetitia Depourtoux, một y tá làm ca đêm tại bệnh viện, than phiền về phát biểu của Tổng thống Macron tuần trước, theo đó Pháp chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng có thể tái tạo.
Depourtoux cho biết với 4 đứa con và hàng tá hóa đơn, mức lương tháng 1.500 euro của anh và 1.800 euro của vợ anh “đều bốc hơi rất nhanh”, ngân hàng thì từ chối cho họ vay tiền. Cả hai vợ chồng họ đều tham gia biểu tình “áo vàng”. Những người biểu tình chỉ trích ông Macron, nói ông là tổng thống của người giàu, rằng ông đang cân bằng ngân sách của mình trên lưng họ trong khi không chịu lắng nghe những lo lắng của họ.

Những người biểu tình cho rằng Emanuelle Marcron chỉ là tổng thống của người giàu, ông đang cân bằng ngân sách của mình trên lưng họ trong khi không chịu lắng nghe những lo lắng của họ.
Quỹ Jean Jaures, một tổ chức tiêu biểu của cánh tả tại Pháp, nêu ra 3 đặc điểm nổi bật của những người “Áo vàng”: những người đói ăn cuối tháng, sống ở nông thôn hoặc trong các thành phố nhỏ.
Đó là một nước Pháp khác, không phải ở Paris hay Lyon, đang giận dữ vì cảm giác bị bỏ rơi, bị bủa vây bởi đói nghèo và bất công xã hội.
Các vùng nông thôn hay các thị trấn tại Pháp, ô tô là lựa chọn di chuyển gần như duy nhất với những người phải chạy cả trăm km mỗi ngày từ nhà đến nơi làm việc. Tăng giá nhiên liệu nghĩa là hằng tháng lại phải chi thêm vài chục euro. Với những người chỉ hưởng lương tối thiểu Smic (1153 euros sau thuế) hay những người hưu trí chỉ trông vào vài đồng ít ỏi, đó là cả một vấn đề.
Nghiêm trọng hơn, những người này nhận ra rằng, suốt bao năm qua thuế liên tục tăng, trợ cấp xã hội cắt giảm, sức mua ngày càng kém đi và tiếng nói của họ thì ngày càng bị phớt lờ, khinh miệt; sau nhiều thập kỷ phát triển không đồng đều, sự giàu có tích tụ về các vùng đô thị lớn quanh Paris, Lyon, Toulouse… và để lại phía sau một nước Pháp rộng lớn về lãnh thổ nhưng trống rỗng về của cải. Chị Valerie Casanova, một người “áo vàng”, nói với báo chí, “Cha tôi kể rằng từng có giới thượng lưu, trung lưu và tầng lớp lao động; giờ đây giới trung lưu đã biến mất, chỉ còn thượng lưu và tầng lớp lao động.”
Tất cả những mặc cảm, bức xúc, giận dữ… đó không phải do vị Tổng thống trẻ Emmanuel Macron tạo ra mà là tích góp bao năm qua từ các đời Tổng thống trước đó của các ông Chirac, Sarkozy, Hollande.
Chỉ có điều, thái độ cứng rắn đến ngạo mạn, thậm chí bị những người hưu trí coi là vô lễ của ông Macron, khiến sự việc dần mất kiểm soát.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu”, lời các ông Macron, Édouard Philippe… nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua bị xem như là sự thách thức với phong trào phản kháng, mà bản chất bắt nguồn từ những bức xúc chính đáng của một lượng lớn người dân Pháp.
“Áo vàng” hiện quy tụ rất nhiều tầng lớp: người lao động lương thấp, công việc bấp bênh, người về hưu, học sinh- sinh viên phải đóng học phí cao.
Nhưng nếu chỉ có vậy, “Áo vàng” đã không bạo lực đến mức đó.
Cảnh tượng tan hoang tại Paris hôm thứ Bảy, lại đến từ một vấn đề khác của nước Pháp: tội phạm ngoại ô.
Chúng được gọi là “casseur” – “người đập phá”.
Trong tất cả những cuộc xuống đường lớn tại Pháp, luôn có những nhóm “casseur” chuyên nghiệp. Mục đích duy nhất của những nhóm này là đập phá, hôi của, cướp bóc. Và để trà trộn vào đám đông chúng cũng mặc “Áo vàng”.
Những “casseur” này, kết hợp với các nhóm cực hữu hoặc cực tả, và đôi khi cả các nhóm “black bloc” (chuyên mặt nạ đen)… là thủ phạm chính gây ra bạo lực.
Đây là những kẻ cơ hội. Đa số “casseur” là các thanh niên ngoại ô thất nghiệp, nghèo, luôn sẵn sàng phạm tội chỉ vì vài đồng bạc. Những kẻ ngông cuồng hơn, như chúng ta đã biết qua vụ Charlie Hebdo hay Bataclan…, thì gia nhập các tổ chức khủng bố.

Những “casseur” , kết hợp với các nhóm cực hữu hoặc cực tả, và đôi khi cả các nhóm “black bloc” (chuyên mặt nạ đen)… là thủ phạm chính gây ra bạo lực.
Những người đập phá này khác với những người “Áo vàng”, nhưng giờ thì đang bị xem là một. Đó chính là điều khiến cho “Áo vàng” có thể nhanh chóng bị chính người Pháp tẩy chay, dù trong tuần trước, tỷ lệ ủng hộ “Áo vàng” có chiều hướng gia tăng.
Nhưng thực tế ở thời điểm này, khi đến Khải Hoàn môn cũng bị đập phá, thách thức lớn nhất với mọi người Pháp nói chung không còn là câu chuyện giá xăng, sức mua kém hay bất công xã hội gì đó…. mà là ở việc phải chấm dứt ngay lập tức làn sóng bạo lực.
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Thủ tướng Pháp Edouard Philippe dự kiến công bố quyết định ngừng tăng thuế nhiên liệu vào cuối ngày 4/12. kèm với hai biện pháp khác nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình trên cả nước. Đây được xem là bước lùi đáng chú ý đầu tiên trong chính sách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2017.